Muốn phát triển TMĐT: Cần thay đổi nhận thức!

Chủng loại hàng hoá chưa phong phú, trở ngại về phương thức thanh toán và chưa yên tâm về người bán…. đó chỉ là ba trong số nhiều lý do khiến cho người tiêu dùng Việt Nam ngại ngần khi đến với các website thương mại điện tử (TMĐT).

Sau 3 năm triển khai Quyết định 222 về phát triển TMĐT tại Việt Nam, các doanh nghiệp đã nhận thấy tương đối rõ hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ và công cụ điện tử đối với hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát mới nhất do Bộ Công thương công bố, trong Báo Cáo TMĐT Việt Nam 2008, tỷ lệ doanh nghiệp có đầu tư và chiến lược rõ ràng cho TMĐT vẫn còn rất khiêm tốn.

Cụ thể, chỉ mới có 45,3% số doanh nghiệp khảo sát xây dựng website riêng và chưa đến 12% tham gia các sàn giao dịch TMĐT. Chưa đến một nửa số doanh nghiệp được hỏi (48%) dành trên 5% ngân sách hàng năm cho việc trang bị, nâng cấp công nghệ và triển khai TMĐT. Hệ quả tương ứng là số doanh nghiệp có doanh thu đáng kể từ TMĐT cũng chưa cao.

Theo Báo cáo, chỉ có 35,6% doanh nghiệp đạt doanh thu từ TMĐT trên 15%. Số doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu từ TMĐT quá thấp (dưới 5%) vẫn chiếm tới 25,7%.

Có khá nhiều nguyên nhân và trở ngại khiến cho doanh nghiệp chậm trễ hoặc chần chừ trong việc ứng dụng TMĐT, từ hạ tầng công nghệ, hệ thống thanh toán, khung pháp lý, cho đến nhân lực CNTT và bảo mật thông tin. Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Linh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT & CNTT, thì vấn đề mấu chốt của doanh nghiệp chính là ở sự nhận thức của họ về TMĐT.

“Chỉ khi nào doanh nghiệp ý thức được đầy đủ rằng TMĐT là một kênh doanh thu hoàn toàn mới, đầy tiềm năng, cần được đầu tư từ đầu, có chiều sâu và bài bản thì TMĐT mới có thể thực sự cất cánh. Chừng nào doanh nghiệp vẫn nghĩ về TMĐT như một kênh bán hàng mở rộng, chừng đó sức ỳ của thị trường vẫn còn lớn”.

Nhanh tay hay tận tay?

Đứng từ góc độ người dùng, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, nhận định rào cản chính vẫn là tập quán tiêu dùng của người Việt, vốn chỉ ưa “sờ tận tay, thấy tận mắt” và “tiền trao cháo múc”. Việc các doanh nghiệp phớt lờ khâu hậu mãi cũng là một điểm mấu chốt khiến cho người dùng lo ngại khi mua hàng qua mạng.

“Người dân dành dụm cả đời để mua một món hàng có giá trị lớn. Nhưng khi hàng hỏng, lỗi hay không đúng như quảng cáo, họ lại không được quyền trả lại. Trong khi đó, quyền được đổi và trả hàng là một điều hết sức bình thường và phổ biến tại các thị trường tiêu dùng phát triển”, ông Tự cho biết.

Với mong muốn đẩy nhanh TMĐT tại Việt Nam, đồng thời bắc nhịp cầu nối giữa doanh nghiệp TMĐT với người dùng, Trung tâm Phát triển TMĐT (EcomViet) – Bộ Công thương đã giới thiệu sáng kiến “Mua hàng khuyến mại trực tuyến” trên website www.nhanhtay.vn. Sản phẩm khuyến mại của doanh nghiệp sẽ được đăng tải trên website Nhanhtay và liên kết tới website của doanh nghiệp bán hàng.

Nhanhtay.vn đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều website như Megabuy, Pico Plaza, Vinabook, Đăng Khoa, VietTravel…. Chỉ cần truy cập vào địa chỉ này, người dùng sẽ được cập nhật các thông tin khuyến mại mới nhất của các website “đối tác”.

Thay vì phải truy cập vào hàng chục website bán hàng trực tuyến để săn lùng thông tin khuyến mại như trước đây, bạn chỉ cần gõ vào địa chỉ www.nhanhtay.vn mà thôi.

Theo EcomViet, các doanh nghiệp tham gia chương trình Khuyến mại sẽ phải ký cam kết với Trung tâm về việc giới thiệu và cung cấp hàng hoá một cách chính xác cho người tiêu dùng. Vì thế, khách hàng có thể yên tâm khi mua hàng trực tuyến tại các website góp mặt trên Nhanhtay.vn

Theo Onboom

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang