Liên quan đến nghi án né thuế của Google tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ phó Vụ Chính sách thuế cho biết, theo Hiệp định Chống đánh thuế hai lần, Google phải nộp thuế ở Việt Nam và người có nghĩa vụ nộp thuế thay là phía đối tác.
Xin ông cho biết, nghĩa vụ nộp thuế của Google và đối tác của Google ở Việt Nam được thực hiện như thế nào?
Chính sách đã có: mọi nguồn thu nhập ra khỏi Việt Nam thì Chính phủ Việt Nam có quyền đánh thuế và văn bản Nghị định 124 và Thông tư 134 của Bộ Tài chính đã quy định quyền đánh thuế của Chính phủ Việt Nam thông qua các quy định về thuế nhà thầu.
Vấn đề ở đây là những người trả tiền cho Google phải biết khấu trừ tiền thuế của Google khi người ta nộp tiền.
Trách nhiệm của anh khi anh trả tiền thì anh phải khấu trừ, nếu anh không khấu trừ anh đương nhiên phải trở thành người phải nộp thay – luật đã quy định rồi.
Như vậy, quy định ở trường hợp này, về chính sách ta có, về quản lý ta có. Vấn đề ở chỗ, những người kia (các doanh nghiệp đối tác của Google tại Việt Nam –PV) người ta không làm, bây giờ người ta phải kêu.
Luật quy định hết rồi. Không có lý do gì kinh doanh mà lại không biết luật được. Nếu không biết luật thì đừng kinh doanh nữa!
Về mặt chính sách ở đây thì không có mất thuế ở đâu cả. Chỉ có điều là người đăng quảng cáo đó người ta có thực hiện hay không thôi!
Thế theo ý ông là Google phải nộp thuế?
Họ phải nộp thuế chứ. Nhưng ta không thể bám theo họ được mà phải bám theo anh quảng cáo.
Đây là việc mà người đang quảng cáo với Google làm việc với nhau. Tôi phải trả cho ông bao nhiêu tiền. Nếu tôi thấy tôi trả cho ông từng này cộng cả thuế cao quá thì tôi đừng đăng nữa!
Chúng ta không thể vì thỏa thuận dân sự của họ mà bỏ qua cho họ được. Về nguyên tắc, chúng tôi không bao giờ bỏ qua, chúng tôi khẳng định Việt Nam có quyền đánh thuế.
Ở đây, đối tác của Google phải thực hiện nghĩa vụ của đối tác Việt Nam chứ không thể tiếp tay cho bên ngoài.
Cụ thể về luật quy định thế nào thưa ông?
Luật quản lý thuế nói rằng, nghĩa vụ anh phải khấu trừ nhưng nếu anh không khấu trừ thì anh phải đền.
Chúng ta phải để đối tác biết rằng, “mọi nguồn lực ra khỏi đất nước này đều phải đóng thuế cho đất nước này”.
Nhưng thưa ông, làm sao để tránh được việc một tổ chức kinh doanh nước ngoài nào đó cố tình trốn thuế?
Điều này nằm ở Thông tư 134 Thuế nhà thầu. Về biện pháp chúng ta đã có hết. Luật về thuế đã cho triển khai. Không thể nói là không có biện pháp thu.
Tuy nhiên, rất tiếc là những người đối tác, những người quảng cáo lại không thực hiện điều đó. Anh không thực hiện lại bảo rằng bên kia trốn thuế.
Nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này đã đề cập Hiệp định chống đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Ireland nơi Google đặt trụ sở. Vậy Google có phải đóng thuế ở Việt Nam hay không?
Như vậy thì họ không hiểu gì về Hiệp định chống đánh thuế hai lần cả! Hiệp định chống đánh thuế hai lần nói rằng, thu nhập phát sinh ở đâu thì nộp ở đó.
Theo Hiệp định này thì thu nhập của Google có được từ Việt Nam thì Việt Nam có quyền đánh thuế.
Trong Hiệp định cũng giao cho người trả thu nhập phải quy định khấu trừ.
Ông có thể nói sát hơn với đặc thù kinh doanh nhà mạng?
Người quảng cáo phải thỏa thuận với nhà mạng là tôi sẽ trả tiền hộ anh tùy theo số lượng người click. Cứ có click thì Google được tiền. Định kỳ, Google sẽ phải tính, đồng thời bên đối tác cũng phải biết được số thuế phải nộp thay.
Đối tác Google cần phải biết thực hiện nghĩa vụ công dân, phải biết thực hiện cả quyền của mình.