Phụ nữ kết nối qua các công cụ mạng xã hội, còn “mày râu” thì dùng chúng để cải thiện vị thế của họ.
“Thế giới ngày càng trở nên xã hội hóa. Và phụ nữ xã hội hóa nhiều hơn nam giới.”
– Sheryl Sandberg, giám đốc điều hành Facebook.
Phụ nữ thống trị thế giới
Facebook, công cụ mạng xã hội lớn nhất thế giới đang được thống trị bởi phụ nữ.
Theo BrianSolis.com và Google Ad Planner, nữ giới chiếm 57% trong số 400 triệu thành viên của Facebook, hàng tháng có hơn 46 triệu lượt khách truy cập là nữ. Mặt khác, phái đẹp cũng hoạt động tích cực trên Facebook hơn so với nam giới.
Giám đốc điều hành Facebook – Sheryl Sandberg nói số lượng bạn bè của phụ nữ trên Facebook nhiều hơn 8% so với nam giới, và họ tham gia vào 62% các hoạt động chia sẻ. Bà kết luận: “Thế giới mạng xã hội được dẫn dắt bởi phụ nữ.”
Phụ nữ chiếm số đông trên rất nhiều trang mạng lớn như Twitter, MySpace, Bebo và Flickr. Trong khi đó, nam giới thường hoạt động nhiều hơn trên Digg, YouTube và LinkedIn – những trang hướng vào nội dung và mang tính chất cổ động nhiều hơn thảo luận.
Tuy nhiên, phụ nữ không chỉ lui tới các trang web khác với nam giới, họ còn sử dụng truyền thông xã hội theo một cách khác. Các chuyên gia tin rằng sự khác biệt trong các hoạt động của phụ nữ và nam giới trên mạng thể hiện động cơ khác nhau của họ ở bên ngoài. Trong khi phụ nữ thường dùng các công cụ mạng xã hội để kết nối với mọi người và chia sẻ về cuộc sống riêng của họ thì nam giới dùng chúng như là những phương tiện để thu thập thông tin và tăng cường vị thế của họ trong xã hội.
“Chúng tôi là phụ nữ – chúng tôi thích nói chuyện về mọi thứ. Phụ nữ dùng truyền thông xã hội như là một cách để kết nối,” Jodi Kahn, giám đốc iVillage phát biểu. Một nghiên cứu gần đây do BlogHer và iVillage thực hiện cũng đã ủng hộ cho quan điểm của bà, với kết quả ¾ phụ nữ sử dụng các cộng đồng trên mạng để liên lạc thường xuyên với bạn bè và người thân, 68% sử dụng chúng để “kết nối với những người giống mình.”
Theo Kahn, trên các bảng tin hay diễn đàn, cả hai giới đều tìm kiếm thông tin và lời khuyên, tuy nhiên phụ nữ có xu hướng bộc lộ bản thân nhiều hơn. Bà nói rằng phụ nữ muốn biết về những ví dụ thực tiễn, những người đang trải nghiệm các xung đột tương tự. “Phụ nữ lên mạng để giải quyết những vấn đề trong đời thực. Nếu tôi là một người mẹ đang học cách thay tã cho con, việc tìm hiểu xem các bà mẹ khác làm việc này thế nào là rất quan trọng,” Kahn nói.
Trong khi đó, nam giới lại là những người chỉ quan tâm đến kiến thức và tìm cách nâng cao địa vị. Giáo sư về tiếp thị truyền thông xã hội tại trường đại học UC Berkeley, Lorrie Thomas, cho rằng nam giới sử dụng truyền thông xã hội như là một cuốn “sổ địa chỉ tương tác”, chứa các thông tin liên lạc cần thiết cho tương lai.
Sự khác biệt từ bản năng
Sherry Perlmutter Bowen, giáo sư về giới và truyền thông tại trường Đại học Villanova ở Pennsylvania đã quan sát việc nam giới sử dụng truyền thông xã hội để thu thập thông tin và tăng cường sức ảnh hưởng của họ. Bà nói: “Tôi thấy đàn ông thổi vào truyền thông xã hội tư tưởng và học thức của họ để tiếp thị, cạnh tranh, và để “bước lên một bậc” trên thang sự nghiệp của họ.”
Theo Bowen, sự khác biệt về giới này xuất phát từ phong cách giao tiếp đã được học từ khi sinh ra. “Con gái và con trai thường được nuôi dạy theo 2 luồng văn hóa hoàn toàn khác nhau với những luật lệ và chuẩn mực khác nhau trong hành xử và giao tiếp: Con gái học cách xây dựng các mối quan hệ thông qua chia sẻ thông tin. Con trai thì học cách so sánh và cạnh tranh với người khác, luôn luôn cố gắng để thành công hơn nữa.”
Nhà tâm lý học Leslie Sokol, tác giả của cuốn sách Suy nghĩ tự tin, Ứng xử tự tin (Think Confident, Be Confident), tin rằng những khác biệt trong giao tiếp ảo giữa nam giới và phụ nữ có thể được truy vết từ lịch sử thông qua những phương pháp tiến hóa để sống còn.
Từ xưa tới nay, nam giới luôn phải cạnh tranh với nhau để khẳng định mình, ngay cả trong thế giới của động vật: “Con chim trống quyến rũ nhất với bộ vũ đẹp nhất và lãnh thổ tốt nhất sẽ có được tất cả những con chim mái.”
Chính vì không được phép thể hiện những điểm yếu cũng như để lộ các chiến lược của mình, nam giới trở nên đề phòng hơn và đó là cách họ thích nghi với cuộc sống.
Sokol tin rằng phụ nữ, những người nhận trách nhiệm hái lượm và xây dựng cộng đồng, phải làm việc theo nhóm để có thể sống sót. Họ cần đến sự giúp đỡ của người khác và cũng học cách giúp đỡ bằng việc chia sẻ các kế hoạch cũng như những thiếu sót và cả lời khuyên. Ngày nay, phụ nữ vẫn là những người sẵn sàng chia sẻ và nói nhiều hơn nam giới, một sự khác biệt đã được thể hiện trên mạng.
Diana Windley, 39 tuổi, là một ví dụ điển hình. Là phó chủ tịch phụ trách tiếp thị tại Goldenwest Credit Union ở Utah, cô sử dụng rất nhiều mạng xã hội trực tuyến để giữ liên lạc với bạn bè và đọc các thảo luận về những điều mà cô quan tâm chứ không dùng nó cho các mục đích kinh doanh và thăng tiến. Cô cũng viết blog về cuộc sống của mình với tư cách là một người mẹ có sự nghiệp riêng. Hàng ngày, cô đăng nhập vào Facebook để kết nối lại với những người bạn từ thời trung học và đại học, xây dựng những mối quan hệ mới với hàng xóm và họ hàng xa. Trên Twitter cô kết nối với những người không hẳn có mặt trong cuộc sống của mình nhưng cùng chung sở thích, các mối quan tâm về sự nghiệp, gia đình, và tôn giáo.
Trong khi đó, Allen Chen, 31 tuổi, phụ trách truyền thông tại trường Sarah Lawrence College ở New York, sử dụng các trang mạng xã hội như những phương tiện để thảo luận về các ý tưởng của mình thay vì để chia sẻ thông tin cá nhân. Anh đăng nhập vào Facebook nhiều lần trong ngày để đưa lên những bài báo thú vị, nhận về phản hồi từ 175 bạn bè của mình. Anh cũng dùng Twitter để cập nhật các sự kiện từ các bản tin và “những người lạ” có cùng sở thích về thể thao vào công nghệ.
Elisa Camahort Page, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của BlogHer, tin rằng nam giới lợi dụng truyền thông xã hội để quảng bá ý tưởng và các kĩ năng của mình, trong khi phụ nữ thích kết nối với mọi người bằng cách chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Cô giải thích, nam giới hoạt động tích cực hơn trên các blog, họ thường đọc, viết và gửi nhận xét trên blog nhiều hơn. Một điều đáng ngạc nhiên là cả hai giới đều cho rằng chủ đề phổ biến nhất của họ trên blog là “cuộc sống của tôi”. Tuy nhiên, chủ đề phổ biến thứ hai của nam là kinh doanh và sự nghiệp, trong khi ẩm thực và thời trang đứng vị trí thứ hai trong danh sách của nữ.
Theo nghiên cứu của BlogHer và iVillage, nam giới cũng tham gia vào YouTube tích cực hơn nữ, với số lượng truy cập hàng tuần nhiều hơn nữ là 20%. Camahort Page tin rằng nam giới thích trang web này bởi vì nó thụ động hơn:” YouTube nghĩa là tìm kiếm, tiêu thụ và truyền tải nội dung, nó không phải là một cuộc đối thoại.”
Cơ hội cho các nhà quảng cáo
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà quảng cáo đã bắt đầu chú ý và khai thác sự khác nhau trong cách sử dụng truyền thông xã hội của phụ nữ và nam giới. Scott Staab, giám đốc sáng tạo của hãng tiếp thị T3, gần đây đã để ý đến đối tượng chơi game là phụ nữ. Ông cho rằng phái đẹp dành nhiều thời gian cho các game xã hội và đó chính là mảnh đất màu mỡ để các công ty lồng vào thương hiệu của mình. Nếu một cô gái tin tưởng một thương hiệu, phần lớn bạn bè của cô ta cũng đồng tình đi theo thương hiệu đó.
Theo Kelly O’Neill, giám đốc tiếp thị sản phẩm của công ty phần mềm thương mại điện tử ATG, hãng làm đẹp Sephora hướng đến khách hàng là phụ nữ thông qua các đợt bán hàng và khuyến mại trên mạng xã hội. Theo một điều tra gần đây của ATG, số phụ nữ chia sẻ các thông tin mua bán trên Facebook, MySpace và Twitter nhiều gấp đôi nam giới.
Vì thế Sephora thường quảng cáo về các chương trình khuyến mại trên trang Facebook của mình và thông báo các chương trình giảm giá trên Twitter. Các hãng thời trang như Tommy Hilfiger và Urban Outfitters cũng tổ chức các show diễn thời trang ảo trên mạng xã hội để thu hút phái đẹp.
Giám đốc điều hành Facebook Sandberg kết luận:” Nếu như bạn chinh phục được phụ nữ trên các mạng xã hội, họ sẽ giới thiệu bạn với bạn bè của họ.” Đây là một thực tế trong quá trình tiến hóa của con người, đây cũng có thể là giấc mơ của các nhà tiếp thị.
(SEM – Theo TVN)