Tạo trang Facebook hiệu quả cho doanh nghiệp

Mari Smith

Bạn đã tạo trang Facebook cho công ty. Tiếp theo thì sao? Sau đây là 4 bí quyết để tạo trang Facebook thu hút nhiều fan hâm mộ là khách hàng và các khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp.

Theo Mari Smith, chuyên gia tiếp thị quan hệ và là đồng tác giả quyển sách “Tiếp thị trên Facebook: Một tiếng mỗi ngày”, thì: “Để tạo trang Facebook đem đến lợi ích có thể đo lường cho doanh nghiệp, điều đầu tiên doanh nhân cần làm là xác định rõ những mục tiêu chính của mình. Nhiều công ty thất bại trong việc tìm kiếm lợi ích từ Facebook đơn giản chỉ vì thiếu mục tiêu và chiến lược rõ ràng nhằm đạt được những mục tiêu đó”.

Vậy nên, câu hỏi đầu tiên bạn cần đặt ra là: Tại sao công ty cần mở trang Facebook? Mục tiêu của tôi là gì? Để bán thêm nhiều hàng hơn? Để cải thiện dịch vụ khách hàng? Để tạo quan hệ mới?… Đầu tiên cần xác định mục tiêu rồi mới dễ dàng xây dựng trang Facebook hiệu quả.

4 bí quyết để tạo trang Facebook có hiệu quả cho doanh nghiệp:

 

 

Mari Smith
Mari Smith, chuyên gia tiếp thị quan hệ và là đồng tác giả quyển sách “Tiếp thị trên Facebook”

 

1. Hiểu các tính năng của Facebook

Grady Burnett, giám đốc bán hàng nội bộ và trực tuyến toàn cầu tại Facebook cho biết: “Bước đầu là nắm bắt rõ những tính năng, đặc trưng của Facebook. Nếu không tận dụng hết những gì có thể thì sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn”.

Bạn có thể trưng bày hình ảnh sản phẩm? Có thể cập nhật thông tin dịch vụ mới? Hiểu được những gì có thể làm trên Facebook giúp bạn xây dựng chiến lược và hình ảnh trang Facebook rõ ràng nhất.

“Ví dụ như trang Facebook của một nhà hàng sẽ có video cảnh bếp trưởng hướng dẫn bí quyết nấu ăn… Biết rõ và tận dụng các tính năng trên Facebook sẽ tạo thành trang mạng giàu thông tin có ích thu hút nhiều người”, Burnett cho biết.

Giai đoạn đầu tìm hiểu, bạn có thể cảm thấy quá tải. Nhưng không mất nhiều thời gian để quen với tất cả chúng đâu, bởi Facebook là trang MXH cho mọi người toàn thế giới. Sau đây là những tính năng nổi trội được chứng minh là đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp:

Wall Posts: là nơi để khách hàng trình bày cảm nhận về dịch vụ và sản phẩm. Bất cứ ý kiến nào cũng có giá trị. Vậy nên, để khuyến khích càng nhiều người phát biểu quan điểm, thì bạn hãy cài đặt chế độ cho bất cứ ai cũng có thể đưa ra nhận định và phản hồi trên Facebook.

Upload Photos: nhiều công ty dùng tính năng này để đưa lên trang Facebook hình ảnh sản phẩm và khách hàng đang sử dụng sản phẩm của mình. Tuy nhiên, còn một cách “độc” hơn nữa là cho phép fan hâm mộ “tag” mình vào hình ảnh và video của họ để những tấm ảnh của họ cũng có trong album của mình, làm dày thêm album ảnh sản phẩm và khách hàng công ty.

Direct Purchase: tái thiết lại trang Facebook thành trang bán hàng trực tuyến. Thay vì vào Facebook rồi từ Facebook mới đến được website bán hàng, thì hãy tạo ra tab đặc biệt để khách có thể vào xem và mua hàng trực tuyến tại Facebook.

Custom Page Apps: Facebook cho phép bạn tạo ra trò chơi, bảng hỏi, và nhiều tính năng khác trong trang của mình.

Đặt quảng cáo trên Facebook cũng là một cách thể thu hút thêm lưu thông đến trang của mình.

Phát triển chiến lược

gary-vaynerchuk
Gary Vaynerchuk

Chuyên gia MXH Gary Vaynerchuk khẳng định: “Mọi người đều cần chiến lược. Nhiều doanh nghiệp chỉ nghĩ đơn giản: nếu công ty đối thủ có 5.000 fan hâm mộ thì tôi phải có 5.001. Tôi đánh giá đó là sự khác biệt giữa một người bán hàng và một người làm nghề marketing. Người bàn hàng chỉ biết những gì đang diễn ra hôm nay, thay vì người marketing tính đến tương lai lâu dài”. Vậy nên, hãy phát triển chiến lược giúp bạn tập trung vào mục tiêu của mình.

Chiến lược thiết kế. Smith cho biết: “Thiết kế trang phải phản ánh những mục tiêu đầu tiên của bạn. Ví dụ như nếu bạn muốn thu hút đông đảo nhiều người đến blog công ty thông qua trang Facebook, thì bạn cần đặt blog làm điểm nhất trong thiết kế trang Facebook. Thiết kế toàn trang đập ngay vào mặt, nên bạn hãy nghiên cứu và chọn thiết kế phù hợp với mục tiêu”.

Chiến lược quảng cáo. “Hãy luôn ghi nhớ rằng: một nhóm khán thính giả nhỏ nhưng tập trung và chất lượng thì tốt hơn đám đông chẳng chú ý mấy đến sản phẩm và dịch vụ công ty”, Smith nhắc nhở. Khuyến khích khách hàng nhấn nút “Like” công ty trên Facebook bằng cách tặng phiếu giảm giá.

Chiến lược nội dung: thường xuyên, nhanh chóng cập nhật thông tin mới, thú vị và hữu ích cho fan hâm mộ. Nhiều công ty cập nhật liên tục, nhưng ít người có hứng với thông tin đó. Tại sao? Vì họ không đối thoại với khách hàng mà cứ độc thoại về mình. Cập nhật thông tin doanh nghiệp cũng tốt, nhưng bạn cũng phải biết cách khuyến khích fan hâm mộ trả lời.

Thông tin đưa ra vừa phải là về mình, vừa phải là về người. Smith bổ sung: “Ngoài ra, cũng cần chia sẻ đường link đến trang blog của ngành bạn đang kinh doanh, nguồn tin, những nội dung đa dạng của nhiều ngành nghề khác… để thể hiện rằng mình không chỉ tự đề cao bản thân mà còn biết quan tâm, chia sẻ nhiều thông tin đa dạng, hữu ích cho mọi người”.

Đối thoại với fan hâm mộ

Burnett khẳng định: “Điều quan trọng là phải cởi mở và thành thật. Hãy chắc chắn rằng những gì bạn đang chia sẻ trên Facebook truyền tải đúng văn hóa doanh nghiệp”.

Howard Greenstein
Howard Greenstein

Các trang Facebook công ty thành công bởi vì nghe nhiều hơn nói. Khi doanh nghiệp chịu khó lắng nghe, khách hàng và fan hâm mộ sẽ vui vẻ nói đầy đủ và chính xác những điểm tốt và không tốt về sản phẩm, dịch vụ. Người tiêu dùng luôn cần cảm thấy tin tưởng rằng doanh nghiệp có chú ý lắng nghe lời nhận định của mình và dùng nó để cải thiện sản phẩm, nhằm phục vụ mình tốt hơn.

Theo lời các chuyên gia thì doanh nghiệp nên để một người hoặc một nhóm ít người quản lý trang Facebook của công ty. Làm như vậy, tiếng nói của công ty sẽ rõ ràng và nhất quán, khiến các fan hâm mộ có cảm giác mình đang đối thoại với một người thực tế chứ không phải cái máy cập nhật thông tin mà chẳng theo sát phản hồi.

Howard Greenstein, nhà chiến lược MXH và cũng là Giám đốc Harbooke Group cho biết: “Thường xuyên tương tác và phản hồi với khách hàng. Hãy cho họ lý do để họ trở lại trang Facebook công ty. Từ người vô tình vào xem trở thành fan hâm mộ. Từ fan hâm mộ thành khách hàng. Từ khách hàng thành người đại diện quảng bá doanh nghiệp rộng rãi. Đó là điều công ty cần nỗ lực đạt được trong tương tác với khách hàng”.

Theo dõi và đo lường

Cách đơn giản nhất mà doanh nghiệp có thể tự thực hiện là đánh giá những thông tin, lời nhận định, cập nhật, tương tác giữa công ty và khách hàng trên trang Facebook. Dĩ nhiên, nếu cần, bạn cũng có thể thuê công ty chuyên về tính toán và đo lường hiệu quả trên MXH.

(Sem Vietnam – Theo Doanh Nhân Sài Gòn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang
Share via
Copy link