Lướt trên mạng, chúng ta có thể nhận thấy đã có nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tiếp cận với công nghệ thông tin, nghĩa là có trang web giới thiệu cho DN mình. Theo báo cáo TMĐT năm 2007 của Bộ Công Thương, có khoảng 38% DN ở Việt Nam có trang web, con số này chắc chắn đã tăng trong năm 2008.
Những dẫn chứng từ thực tế
Nhưng số DN biết tận dụng trang web để kinh doanh kiếm lợi chưa nhiều. Thuật ngữ thương mại điện tử còn chưa được phổ biến trong hoạt động kinh doanh của nhiều DN. Cụ thể, trong số 38% DN có trang web thì chỉ 10% trong số đó tham gia TMĐT.
Thực ra, nếu biết tận dụng trang web để biến nó thành một phương thức kinh doanh mới có tên gọi là thương mại điện tử (TMĐT) sẽ giúp DN nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Báo cáo TMĐT năm 2007 của Bộ Công Thương chứng minh rất rõ lợi ích của DN khi tham gia TMĐT. Nhờ khai thác, vận dụng tốt thông tin trên mạng, tổ chức mua bán, trao đổi qua mạng, nhiều DN đã tăng doanh thu từ 15% đến 37%/năm. Một tỷ lệ khá lý tưởng cho bất kỳ một DN nào trong tình hình cạnh tranh trên thương trường hiện nay.
Lợi ích của TMĐT
Một chứng minh tốt nhất về lợi ích của TMĐT đó là những DN đạt hiệu quả lợi nhuận cao, nằm trong top các DN được khen thưởng và phát triển ngày càng lớn mạnh đều biết tận dụng CNTT mà cụ thể là nhờ tham gia TMĐT. Bởi nếu không có TMĐT thì DN khó tiếp cận được thông tin trong nước và thế giới, nhất là khó thiết lập, phát triển quan hệ khách hàng. Kể cả chuyện mà nhà DN nào cũng muốn đạt được đó là giảm chi phí. Sẽ chẳng mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí đi lại… nếu DN sử dụng tốt giao dịch bằng mail với khách hàng, với nhà cung cấp. Chúng ta có thể tổ chức quản lý nguồn lực, tài chính, kế toán…bằng trên hệ thống mạng vừa đảm bảo lưu trữ tư liệu tốt, vừa tạo được mối liên thông với các đơn vị thành viên.
Chưa hết, có TMĐT, DN có thể liên kết, làm ăn qua mạng đối với những DN tham gia TMĐT trong nước và cả trên thế giới. Đặc biệt nhất là DN có thể tổ chức mua, bán giao dịch, tư vấn…thậm chí tổ chức trực tuyến cùng khách hàng về quản lý, sản phẩm… của mình. Nói nôm na là kéo khách hàng đến gần với DN mà không phải cất công tìm đến DN vừa mất sức, mất thời gian.
(Theo báo cáo của ông Nguyễn Hữu Linh- Cục phó Cục TMĐT và CNTT-Bộ Công Thương)