Khoảng 90% thông tin được truyền đến não là hình ảnh và hình ảnh được xử lý 60.000 lần nhanh hơn trong não so với văn bản. Đó là lý do tại sao các thương hiệu lại mở rộng quảng bá bằng hình ảnh trên mạng xã hội.
Coca-Cola đã thu hút được 63 triệu fan đến với fanpage, còn Starbucks sở hữu đến 30 triệu fan. Hai thương hiệu này rất chú ý trong việc sử dụng các mạng xã hội Facebook, Twitter, Pinterest và Google + để duy trì hình ảnh thương hiệu và nâng cao nhận thức của khách hàng về chiến dịch quảng cáo của mình.
Đội ngũ quản lý Facebook của Coca-Cola cũng thường xuyên đăng tải nội dung dưới hình thức “poll”, tuy nhiên, lượng tương tác đến từ bài đăng kiểu này vẫn còn thua xa dạng nội dung hình ảnh trên phương diện “like” và bình luận.
Vì thế, để thành công với tiếp thị xã hội, các thương hiệu cần phải có chiến lược hình ảnh, trong đó kết hợp biểu tượng và đồ họa vào nội dung. Dưới đây là bốn cách thiết thực để đưa hình ảnh vào chương trình tiếp thị truyền thông xã hội.
1. Lựa chọn hình ảnh
Xác định hình ảnh thương hiệu có thể chia sẻ tới số đông là yếu tố đầu tiên cần quan tâm trong một chiến dịch tiếp thị bằng hình ảnh. Hài hước, đẹp, thú vị, cảm động và hấp dẫn là những hình ảnh có khả năng được chia sẻ nhiều nhất.
Đi sâu hơn, có thể phân tích các trang mạng xã hội để xem những thể loại hình ảnh thường được nhiều người chia sẻ nhất theo từng thể loại và nhóm khách hàng phù hợp. Nike đã nghiên cứu thông tin về khách hàng rất kỹ trước khi tham gia mạng xã hội Pinterest.
2. Chọn mạng đăng tải
Hầu hết các thương hiệu đều có trang Facebook, Twitter nhưng nếu lựa chọn cho chiến dịch quảng bá bằng hình ảnh, bạn nên có tài khoản trên Pinterest, Tumblr và Instagram. Tuy nhiên, thống nhất được thông điệp cần chuyển tải trên nhiều mạng xã hội là lưu ý cần quan tâm.
Chẳng hạn, Pepsi đang ứng dụng thành công hình thức truyền thông hợp thời nhất gọi là SoLoMo: xã hội (Social), tính địa lý địa phương (local) và các thiết bị di động (mobile). Thông qua các thiết bị di động này, Pepsi có thể phân tích được lượng truy cập của khách hàng đền từ từng vùng địa lý.
3. Theo dõi và đo lường
Với sự giúp đỡ của SocialFlow, một công cụ xếp hạng mức độ phổ biến của những nội dung mà những khách hàng đang follow hãng cung cấp, Adidas hay Unilever đã tìm hiểu được khách hàng của họ đang thích thú với vấn đề nào. Tuy nhiên, trong chiến lược quảng bá hình ảnh, thách thức là phải theo dõi hàng trăm triệu hình ảnh mỗi ngày.
Nguy cơ không giám sát được hình ảnh là rất cao vì người tiêu dùng có thể gửi hình ảnh thương hiệu của bạn trong bối cảnh tiêu cực, làm thay đổi hình ảnh thương hiệu, hoặc gửi hình ảnh của sản phẩm giả mạo… Tìm kiếm và xử lý những hình ảnh tiêu cực là rất quan trọng để bảo vệ hình ảnh trực tuyến của thương hiệu.
4. Khuyến khích chia sẻ
Hãy có nhiều chương trình khuyến khích khách hàng chia sẻ hình ảnh thương hiệu của bạn nhiều hơn nữa. Tiếp cận với họ bằng những ưu đãi đặc biệt như phiếu giảm giá, thẻ VIP. Bạn sẽ biến những người ủng hộ thành “những nhân vật ảnh hưởng” và tạo nên hiệu ứng trong mạng xã hội.
Ngược lại, cũng nhanh chóng tiếp cận những khách hàng gửi hình ảnh tiêu cực về thương hiệu của bạn. Đưa ra các xử lý kịp thời để biến một tình huống tiêu cực thành tích cực.
Burberry đã tận dụng Facebook, Twitter và cả trang tiểu blog Sina Weibo để tăng cường sự hiện diện thương hiệu tại thị trường Trung Quốc.
Burberry đã sử dụng Twitter và Instagram khi tung ra bộ sưu tập và phát trực tuyến chương trình này trên kênh YouTube. Những khách viếng thăm hoặc like các hình ảnh bộ sưu tập đều có cơ hội sở hữu vé xem trình diễn hoặc những chuyến du lịch…