Robert Rubin nói rằng 15 năm trước khi ông là Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Sheryl Sandberg đã may mắn khi được làm quen với ông. Còn bây giờ ông thấy mình may mắn do đã quen biết cô.
Vào một buổi chiều thứ Ba cuối tháng 4 vừa rồi, hơn 30 cán bộ quản lý của Facebook (Mỹ) đã ngồi lại để bàn cách làm sao có thể kiểm soát được tốc độ phát triển đang quá nhanh của Công ty. Điều đáng chú ý là người điều hành cuộc họp này không phải là Mark Zukerberg, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Facebook mà là Sheryl Sandberg, Chief Operating Officer – COO (tạm dịch: Phó Tổng Giám đốc thường trực).
Từ một nhà lãnh đạo tinh tế…
Sandberg ngồi thư thái, chăm chú lắng nghe. Các đề xuất tập trung vào việc sử dụng các hệ thống chương trình tự động giải quyết các yêu cầu của người dùng và đối tác của Facebook, thay vì phải tuyển thêm hàng ngàn nhân viên mới.
Cô đánh giá từng đề xuất một cách nhẹ nhàng, phần lớn là động viên và đặc biệt khen ngợi một số sáng kiến cô cho là xuất sắc. Sandberg hy vọng các sáng kiến từ những cuộc họp như thế này sẽ giúp Facebook không phải tuyển dụng thêm nhiều nhân viên. Trong khi đó, các công ty khác, với mức tăng trưởng bùng nổ như Facebook, thường phải tuyển thêm gấp đôi đến gấp ba số lượng nhân viên.
Google (Mỹ) là một ví dụ rõ nhất. Công ty này giờ có hơn 26.000 lao động và đang đau đầu vì phải giải quyết tệ quan liêu trong nội bộ. Số lượng nhân viên lớn như vậy đang giết chết sức mạnh sáng tạo, căn nguyên tăng trưởng của các công ty công nghệ.
Trong vòng 3 năm kể từ khi Sandberg, 41 tuổi, từ bỏ Google để gia nhập Facebook ở vị trí COO, cô đã đưa Công ty lên tầm cao mới. Mặc dù vậy, Sandberg hiện phải đối đầu với những thách thức lớn. Khi cô mới vào làm việc ở Facebook, Công ty chỉ có 66 triệu thành viên, nay con số này đã lên hơn 640 triệu. Đây là thời kỳ phát triển thần tốc, chỉ cần sai một ly là đi một dặm.
Nhiệm vụ chính của Sandberg là kiểm soát mức tăng trưởng của Công ty, đảm bảo bộ máy kinh doanh phát triển doanh thu lành mạnh và giúp hiện thực hóa mức kỳ vọng của các nhà đầu tư – 100 tỉ USD giá trị khi đưa công ty này niêm yết vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2012.
Sandberg cũng đang phải xử lý một loạt các khó khăn khác của Facebook: các kỹ sư cao cấp ra đi và muốn bán lại cổ phần, vụ kiện về ý tưởng kinh doanh từ ngày còn ở Harvard và các cuộc tranh luận nội bộ về việc có nên hoạt động ở Trung Quốc hay không, rồi liên tục các vấn đề về bảo mật.
Phong cách nhẹ nhàng nữ tính của Sandberg đối lập hoàn toàn với những lãnh đạo đàn ông lập dị của thung lũng Sillicon như Steve Jobs hay Larry Ellison. Bạn bè và đồng nghiệp của Sandberg đặc biệt thán phục kỹ năng mềm của cô. “Có thể nói là tôi chưa từng gặp ai vừa nhiệt tình, dễ thương mà lại đặc biệt thông minh như cô ấy”, Jim Breyer, thành viên hội đồng quản trị Facebook, cho biết.
Đến nhà hoạt động xã hội tích cực
Sandberg sinh trưởng trong một gia đình trung lưu ở ngoại ô Miami, là chị cả của 2 người em. Mẹ dạy tiếng Anh còn bố là bác sĩ chuyên khoa mắt. Khi vào học Harvard cuối những năm 1980, Sandberg đã được các bạn cùng khóa xem là một trí thức trẻ có năng lực và nhiệt tình tham gia các hoạt động chính trị xã hội. Sandberg thường tổ chức góc ký túc xá của mình thành trung tâm giao lưu các nữ sinh chuyên ngành kinh tế và nghiên cứu về chính phủ.
Năm 1991, cô được Lawrence Summers, khi đó là Giáo sư kinh tế của Harvard, chú ý và nhận hướng dẫn luận văn tốt nghiệp. Đề tài cô chọn làm luận văn là nghiên cứu về mối tương quan giữa mức độ bạo hành gia đình và tình trạng kinh tế xã hội. Sandberg nhớ lại khi hoàn thành đề tài này, cô đã chạy nhiều dữ liệu đến nỗi làm treo hệ thống máy tính của Harvard và bị nhóm điều hành mạng phản ánh với giáo sư hướng dẫn.
Summers không những không trách cô mà ngược lại còn tuyển vào làm việc tại Ngân hàng Thế giới khi ông giữ vị trí Kinh tế trưởng của ngân hàng này. Sau 2 năm ở Ngân hàng Thế giới phụ trách các vấn đề xóa đói giảm nghèo và giúp đỡ các trại hủi ở Ấn Độ, Sandberg đi theo Summers sang Bộ Tài chính Mỹ và đảm nhiệm vị trí Trưởng Văn phòng Bộ khi Summers lên chức Bộ trưởng.
Do vậy, ở một chừng mực nào đó, Sandberg vẫn là một nhân vật của Washington. Cô thường xuyên tổ chức các bữa tiệc và sự kiện tại nhà riêng. Cô không mang máy tính xách tay đến các cuộc họp, thích dùng sổ tay hơn và đặc biệt biết tận dụng các kỹ năng chính trị của mình trong công việc. Cô khen ngợi cấp dưới công khai, nhưng chỉ khiển trách khi gặp riêng.
Sandberg cũng tận dụng các kỹ năng xã hội của mình để tìm các nhân sự cao cấp. Đặc biệt, cô có khả năng xây dựng các mối quan hệ bền chặt với các ứng viên và thuyết phục họ về Facebook. Carolyn Everson, phụ trách công tác kinh doanh toàn cầu của Microsoft (Mỹ), đã nhận được cú điện thoại của Sandberg đầu năm nay, hỏi xem họ có thể gặp nhau để bàn về vị trí Phó Chủ tịch Kinh doanh Toàn cầu mà Facebook đang cần. Những ngày tiếp theo, Sandberg liên tục gọi điện thuyết phục Everson, gọi trên xe ôtô, gọi từ nhà riêng, thậm chí cả khi đang nghỉ cùng gia đình ở Mexicô…
Ngoài Facebook, Sandberg còn phát triển các “Mạng xã hội” khác cho chính cô. Cứ khoảng vài tuần, một nhóm vài chục phụ nữ ở thung lũng Silicon lại đến thăm biệt thự của Sandberg ở Atherton (California). Nhóm này tụ tập ăn uống và lắng nghe bài phát biểu của một vị khách mời đặc biệt nào đó. Robert Rubin, vị khách gần đây nhất, nói rằng 15 năm trước khi ông là Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Sandberg đã may mắn khi được làm quen với ông. Còn bây giờ ông thấy mình may do đã quen biết cô.
Năm ngoái khi Somaly Mam, nhà hoạt động chống buôn người Campuchia, chia sẻ về công việc của mình và tâm sự về việc từng bị bán làm nô lệ, Sandberg đã đứng ra kêu gọi gây quỹ cho tổ chức Somaly Mam Foundation và hỏi xem có ai ủng hộ không. Kết quả là việc gây quỹ, được tổ chức vào tháng 11.2010 tại Bảo tàng Hàng không Hiller ở San Carlos, đã thu được hơn 1 triệu USD.
Việc huy động dễ dàng mạng lưới hỗ trợ cho những việc như vậy của Sandberg đã khiến bạn bè và những người hâm mộ cô băn khoăn về việc cô sẽ làm gì sau Facebook. Câu trả lời của Sandberg bao giờ cũng là cô đang vui vẻ hợp tác với Mark Zuckerberg. Chồng cô cũng tin là cô sẽ ở lại với Facebook lâu dài. Nhưng Lant Pritchett, một trong những thầy giáo cũ của cô ở Harvard và là một người bạn lâu năm, cho biết: “Tôi luôn có ấn tượng là Sandberg sẽ điều hành cả thế giới. Tôi nghĩ cô ấy có thể sẽ là Tổng thống Mỹ”.
(Sem Vietnam – Theo Nhịp Cầu Đầu Tư/Bloomberg, Businessweek)