Những lợi ích của SEO đem lại là vô cùng to lớn nhưng trong thời buổi cạnh tranh công nghệ, SEO vô tình trở thành thứ vũ khí tối thượng của những doanh nhân thừa mưu mô, lắm chiêu trò.
Lên Google tìm “gà”, ra kết quả “vịt”
Giữ ngôi vương về tìm kiếm trên Internet, tại Việt Nam, Google cũng đang là công cụ tìm kiếm được người Việt dùng truy cập thường xuyên nhất và đa số các mục tìm kiếm đều tham khảo gợi ý từ công cụ này.
Với hàng trăm triệu lượt tìm kiếm mỗi ngày, nghiễm nhiên các cụm từ khoá tìm kiếm là tâm điểm của cả người dùng lẫn giới truyền thông, kinh doanh. Việc tối ưu từ khoá, thuật toán và website để người dùng biết đến thương hiệu, trang dịch vụ của mình được gọi tắt là SEO (search engine optimization) – hiện đang ngày một nở rộ.
Một chủ doanh nghiệp cho biết: “Từ khi biết đến SEO, tôi đã tập trung từ việc căn chỉnh hệ thống cho đến các dịch vụ nhân công SEO trả phí để người dùng biết đến thương hiệu mình nhiều hơn. Tính riêng hàng tháng, chi phí SEO xấp xỉ 50% chi phí truyền thông”. Và cũng từ đây, cuộc chiến giữa các doanh nghiệp trên công cụ tìm kiếm bắt đầu.
Anh Ngô Thanh Hải, giám đốc công ty chuyên về SEO chia sẻ: “Hãy thử tưởng tượng, bạn trả tiền và tối ưu hệ thống cho các từ khoá ‘hot’ để định hướng những khách hàng tìm kiếm trên Google về website của mình, nhưng đối thủ cạnh tranh cũng làm như vậy với độ ‘chịu chơi’ cao hơn, vậy đó sẽ là một cuộc chiến”.
Phổ biến nhất trên hệ tìm kiếm Google chính là dịch vụ Google Adwords với phương thức trả phí cho mỗi từ khoá được tìm kiếm và đương nhiên từ khoá nào càng “hot”, trả nhiều tiền thì website doanh nghiệp có liên quan sẽ hiển thị ngay trên trang kết quả đầu tiên, ở vị trí dễ nhìn nhất. Tuy nhiên, trong cuộc đua từ khoá này, không phải doanh nghiệp nào cũng “sạch sẽ” khi mua những từ khoá đặc thù liên quan về mình mà thậm chí là cả những từ khoá… của đối thủ.
Lấy ví dụ khi người dùng tìm kiếm từ khoá “Tiger Airways” – vốn là hãng hàng không giá rẻ của Singapore thì kết quả đầu tiên nhận được lại không phải thương hiệu này mà lại của một hãng hàng không cạnh tranh tới từ… Malaysia.
Để “đổi trắng thay đen” kết quả được như vậy, anh Ngô Thanh Hải cho biết: “Với mỗi từ khoá như thế này, đa phần là doanh nghiệp tìm cạnh tranh bằng… tiền, tức là chấp nhận trả khoản phí cao cho từ khoá để ‘chặn họng’ đối thủ cùng lĩnh vực. Google Adwords không có mức giá cụ thể nhưng chi phí dịch vụ cho các từ khoá dạng này chắc chắn không rẻ, thậm chí cả vài chục triệu mỗi tháng”.
Không chỉ các đại gia “chơi nhau” bằng SEO, các doanh nghiệp Việt vừa và nhỏ cũng dần tỏ độ chịu chơi trong cuộc chiến thương hiệu trên Internet bằng những chiêu bài tương tự.
Một chủ doanh nghiệp tiết lộ: “Có những công ty thậm chí thuê cả hacker để sửa nội dung trên trang chủ website đối phương với tiêu đề là những từ khoá có lợi cho mình để khi Google hay công cụ tìm kiếm quét vào mã HTML sẽ ra kết quả về website của họ. Việc làm này về cơ bản là phạm luật và có thể truy tố, nhưng thường thì rất khó để phát hiện hoặc chưa kịp phát hiện thì hacker đã thay đổi thông số lại như cũ, sau khi SEO thành công”.
Ngoài ra, việc trả tiền từ khoá để cạnh tranh trên bảng xếp hạng tìm kiếm như Air Asia đang làm cũng khá phổ biến với các doanh nghiệp Việt “ma giáo” về công nghệ. Hiện một nhãn hiệu thời trang đầm bầu có tiếng tại Việt Nam cũng đang sử dụng Google Adwords như một cuộc cạnh tranh trên “chiến trường” Internet. Khi thử gõ từ khoá “đầm bầu A” hay “A đầm bầu” với A là thương hiệu đối thủ, mọi kết quả ưu tiên đều trỏ về thương hiệu B – vốn tham gia trả phí cho Google Adwords.
Đó là những trường hợp điển hình về từ khoá và độ nhận diện thương hiệu. Trong những “cuộc chiến SEO” ngấm ngầm khác, nhiều doanh nghiệp thậm chí thuê mướn các nhân công làm tay SEO, tham gia vào các diễn đàn, website nội dung cho phép phản hồi của đối thủ để…spam bài viết cùng chữ ký là các từ khoá liên quan đến website mình.
Phạm luật nhưng chưa… xử được
Theo Điều 40, Luật Cạnh tranh về Chỉ dẫn gây nhầm lẫn có quy định: “1. Cấm doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh; 2. Cấm kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn quy định tại khoản 1 Điều này”.
Tuy nhiên, trên phương diện thương mại điện tử, điều luật này cũng chưa quy định rõ ràng về các hình thức cạnh tranh bằng từ khoá. Anh Lương Khắc Toàn, luật sư tại văn phòng luật thương mại cho biết: “Thực tế thì để khép việc cạnh tranh trên Google hay các công cụ tìm kiếm vào các điều khoản trong Luật cạnh tranh là rất khó vì chưa có những quy định rõ ràng và chế tài cụ thể để xử phạt các hành vi kiểu này. Ngoài ra, việc Google hay các tổ chức kinh doanh tìm kiếm được coi là một loại hình dịch vụ, mà đã là dịch vụ thì đương nhiên ai trả phí cao, không vi phạm hợp đồng đã ký kết với công ty cung cấp dịch vụ là đều có thể sử dụng”.
Vậy là, cuộc chiến SEO ngày một trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Khi mà nền thương mại và tri thức sử dụng CNTT ngày một nâng cao, lượng khách hàng từ kênh trực tuyến sẽ là những nguồn doanh thu đầy tiềm năng.
Chị Bích Hằng, quản lý một website thương mại điện tử cho biết: “Mình làm ăn ngay thẳng chứ chẳng thể ‘ma giáo’ như các đơn vị khác để cạnh tranh về SEO. Cứ đường đường chính chính mà làm thương hiệu cho chính mình thì mới tốt được chứ làm chụp giật, thiếu lành mạnh thì chắc chắn chẳng tồn tại được lâu”.
Tất nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp làm thương hiệu một cách minh bạch thì vẫn còn tồn tại những đối tượng “ăn xổi ở thì”, sử dụng kỹ năng SEO và các công cụ tìm kiếm làm lợi cho mình.