Các gương mặt tên tuổi trong ngành công nghiệp sách đang ra sức chống lại thỏa thuận pháp lý đang được đề xuất, trong đó cho phép gã khổng lồ Google nắm giữ toàn bộ khối sách nhân loại.
Tham vọng của Google là tạo dựng nên một khối kiến thức lớn nhất trong lịch sử loài người bằng cách quét lên mạng Internet hàng triệu cuốn sách, hơn hết nó mở ra một hình thức xuất bản kỹ thuật số mới. Tham vọng này đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ các tác giả và nhiều chuyên gia luật pháp nhằm bảo vệ bản quyền tác phẩm của họ và ngăn chặn việc Google sẽ công khai các tác phẩm lên mạng Internet. Nhờ dự án này của Google mà độc giả và các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận hàng triệu đầu sách không còn được xuất bản, cũng hiếm khi tìm thấy chúng trên mạng.
Quét lên mạng hàng triệu cuốn sách
Các thư viện trên khắp nước Mỹ đã cố gắng gia tăng khối lượng sách ở dạng điện tử, để thêm doanh thu từ các tác phẩm. Tuy nhiên thời gian gần đây, chính họ lại là những người đặt câu hỏi về thoả thuận này. Nó làm tăng lo ngại về sự thiếu công bằng với các tác giả, và liệu nó có thể bảo vệ sự riêng tư của mỗi người khi mà thói quen đọc sách của họ có thể bị tiết lộ.
Đặc biệt, dường như gã khổng lồ Google đang được pháp luật cho phép độc quyền thương mại hoá hàng triệu quyển sách hiếm không còn xuất bản. Toà án đã bắt đầu cuộc điều tra về những nghi ngờ xung quanh bản thoả thuận.
Các tác giả không để yên
Từ năm 2004, Công ty Google đã bị các nhà văn và nhà xuất bản Mỹ phản ứng mạnh mẽ. Những người này đã khởi xướng một vụ kiện tập thể tại Mỹ. Ông Scott E. Gant, luật sư, người viết sách cùng một cộng sự tại công ty luật nổi tiếng ở Washington Boies Schiller & Flexner, đã cùng nhau lên kế hoạch đệ đơn chống lại việc Google được phép thu lợi từ các quyển sách kỹ thuật số.
Sự chống đối được đệ trình lên toà án tuần trước, đề nghị bãi bỏ bản thoả thuận chắc chắn sẽ có tầm ảnh hưởng lớn đến sự thành bại của dự án số hoá sách của Google. Các chuyên gia luật chưa xem hồ sơ của Gant nhưng đã nghe trình bày về vụ kiện này, cho rằng lập luận này của ông Gant sẽ là một cú đánh trực tiếp vào bản thoả thuận.
Không giống với những lần phản đối dự án trước đây chỉ tập trung vào các vấn đề chính sách và nêu ra sửa đổi, bổ sung cho các bản thoả thuận. Ông Gant lập luận rằng thoả thuận này sẽ tạo điều kiện cho Google có quyền thương mại với hàng triệu quyển sách mà không cần đến thương lượng cá nhân với các tác giả, rốt cục đây là một sự lạm dụng.
Gant nói thêm: “Bất kỳ ai đang tham gia vào dự án này nên tự mình tìm hiểu đầy đủ xem họ đang thực sự làm gì. Thực tế thì mọi người đang bị ép để giúp Google có được tài sản trí tuệ lớn từ họ mà không hề hay biết ý nghĩa của nó”.
Google và các đối tác đang “cố gắng hết mình để bản thoả thuận được chấp thuận, nhờ vậy mà hàng triệu người nắm giữ bản quyền các tác phẩm sách sẽ không còn phàn nàn gì được nữa”. Những người ủng hộ và phản đối Google đang xếp hàng ngóng đợi phiên toà sẽ mở vào tháng 9 này.
Lợi nhiều hơn hại?
Đối thủ trước đây là Hiệp hội tác giả và liên hiệp các nhà xuất bản Mỹ, đơn vị đã từng kiện Google năm 2005 ở toà án Liên bang bắc New York lại đang ủng hộ Google và phủ nhận tồn tại sự độc quyền kinh doạnh. Một số hiệp hội đứng bên lề cũng lên tiếng ủng hộ bản thoả thuận giữa Google và các tác giả về bản quyền sách kỹ thuật số, gồm có Hiệp hội các trường đại học độc lập California và các trường đại học khác cũng như Hiêp hội người mù liên bang.
Những bên ủng hộ bản thoả thuận trên tuy chưa từng đọc tài liệu mà ông Grant đưa ra nhưng hoàn toàn gạt bỏ quan điểm của ông. Họ cho rằng chấp thuận thoả thuận là quyết định đúng đắn của toà án. Nhờ vậy Hiệp Hội các tác giả có quyền thay mặt mọi nhà văn quyết định xem các tác phẩm của họ có được nhập vào kho dữ liệu của Google hay không.
Ông Daphne Keller điều hành ban luật sư của Google nói rằng: “Không bất ngờ gì khi một dự án lớn và thú vị như vậy lại thu hút được nhiều lời bình luận và tất nhiên là cả những lời chỉ trích.”
“Người nắm bản quyền sẽ có toàn quyền kiểm soát và lựa chọn”, ông Richard Sarnoff – Nguyên Chủ tịch của Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ nói. “Nếu tác giả nào không muốn Google công bố và tiếp thị những tác phẩm của họ, trong vòng 48 tiếng, tác phẩm đó sẽ được đưa ra khỏi hệ thống.”
Vào ngày 04/09, toà án sẽ mở phiên chính thức. Nếu bản thoả thuận được thông qua thì các nhà văn và các nhà sản xuất sẽ thu về khoảng 63% lợi nhuận từ việc bán các bản sách kỹ thuật số cùng nhiều khoản thu khác; và Google sẽ nhận khoản lợi nhuận còn lại là 37%.
Google đã tuyên bố kế hoạch này từ 5 năm trước, và hiện tại hãng đã quét được ít nhất 7 triệu cuốn sách trên toàn thế giới, sử dụng loại máy quét có công suất làm việc trên 1000 trang một giờ. Toàn bộ dự án này nằm trong sứ mệnh mà Google coi là “Tổ chức lại nguồn tri thức của thế giới”.
Hầu hết các cuốn sách được quét đều được xuất bản trước 05/01/09, chúng đến từ khắp các nhà xuất bản và các thư viện trên toàn nước Mỹ. Google hiện đã kết nối với 29 thư viện lớn nhất trên thế giới như thư viện Harvard, Stanford và Bodleian ở Oxford.
“Google đã tìm thấy cách thức giúp thông tin dễ dàng cập nhật hơn với tất cả mọi người. Từ khi bắt đầu dự án đến giờ, chúng tôi đã hình dung một thế giới trong tương lai mà ở đó các sinh viên, các nhà nghiên cứu và những người yêu sách có thể khám phá và tiếp cận được với những tác phẩm trên khắp thế giới ngay trên mạng. Chúng tôi luôn tin rằng bản thoả thuận này sẽ mở ra một bước tiến vô cùng lớn trong tương lai không xa”.
Theo Vietnamnet