Với lỗ hổng bảo mật trên kính thông minh Glass của Google, hacker có thể dễ dàng xâm nhập vào… giác quan của người dùng, để có thể thấy rõ họ đang nhìn gì cũng như nghe được những gì mà họ thấy, miễn là họ đang mang Google Glass trên mặt mình.
Thông tin “đáng sợ” kể trên vừa được tiết lộ bởi Jay Freeman, một tên tuổi nổi tiếng trong giới hacker. Theo đó, Freeman cho biết nhờ vào lỗ hổng bảo mật, một hacker có thể chỉ mất vài phút để kiểm soát hoàn toàn kính thông minh Google Glass, để có thể nhìn thấy hay nghe được những gì mà người đeo nhìn và nghe được.
Nói cách khác, hacker có thể trải nghiệm cuộc sống thông qua giác quan của người dùng Google Glass.
“Nếu Google Glass đang được đeo trên mặt bạn và microphone đang ở trong tai bạn, tôi có thể nhìn thấy mọi thứ qua mắt của bạn và nghe được mọi thứ qua tai của bạn. Điều duy nhất mà tôi không thể “chạm” tới được chính là những gì mà bạn đang ngửi hay những gì bạn đang nghĩ đến”, Freeman cho biết.
Sẽ vô cùng nguy hại nếu hacker có thể thấy và nghe được những gì mà người dùng Google Glass có được
Freeman cho biết sỡ dĩ có điều này vì một lỗi trong mã nguồn sử dụng trên Google Glass, cũng như chiếc kính thông minh này chưa được bất kỳ trang bị tính năng bảo mật nào. Không giống như máy tính bảng hay smartphone chạy Android, hiện Google Glass không được trang bị các tính năng như khóa màn hình hay tính năng mã hóa dữ liệu…
Jay Freeman, 31 tuổi, là tác giả của ứng dụng Cydia nổi tiếng trên nền tảng iOS. Trong khi lỗ hổng bảo mật trên Google Glass vẫn chưa được giải quyết, Freeman cho rằng vấn đề về bảo mật này có thể gây ra những nguy hại lớn hơn cả những gì mà Google và người dùng có thể lường đến được.
Freeman đưa ra ví dụ, chẳng hạn người dùng ngồi trước màn hình máy tính của mình và mang kính Google Glass, hacker sau khi xâm nhập vào Google Glass có thể thấy rõ được những trang web mà họ truy cập, mật khẩu mà họ gõ trên bàn phím hay bất kỳ mọi hoạt động mà họ tiến hành trên máy tính của mình.
Chưa kể đến trường hợp hacker có thể ghi lại những hình ảnh nhạy cả và riêng tư mà người dùng thực hiện khi mang kính Google Glass.
“Bằng cách hack Glass cũng tương tự như việc hacker đã tấn công vào máy tính của nạn nhân. Ngoài ra, hacker cũng có thể thấy được mã bảo mật để mở khóa nhà hay mở khóa các phòng thí nghiệm, phòng làm việc… nếu người dùng vô tình để những hình ảnh này lọt vào Google Glass”, Freeman nhận xét.
“Điều này sẽ khiến cho sự an toàn của ngôi nhà không còn được đảm bảo”, Freeman kết luận.
Theo Freeman, thực chất vấn đề này có thể giải quyết một cách dễ dàng nếu được áp dụng những cơ chế bảo mật đơn giản trên Google Glass.
“Chỉ cần áp dụng một vài cơ chế bảo mật đơn giản trên sản phẩm, phần lớn vấn đề sẽ được giải quyết triệt để”, Freeman cho biết trên blog chính thức của mình.
Hiện tại, Google cho biết có khoảng 500 đến 600 nhà phát triển khác nhau đang xây dựng các ứng dụng dành cho Google Glass, và Google hy vọng các nhà phát triển này có thể tìm ra những lỗ hổng bảo mật có thể gặp phải trên sản phẩm của mình, tương tự như trường hợp của Freeman kể trên.
Về lỗi bảo mật nghiêm trọng mà Freeman phát hiện ra đã được ghi nhận và “gã khổng lồ tìm kiếm” cho biết đang trong quá trình khắc phục vấn đề.
“Chúng tôi thừa nhận tầm quan trọng của việc xây dựng cơ chế bảo vệ thiết bị và chúng tôi đang thửu nghiệm nhiều giải pháp để giúp cho Glass trở nên an toàn và phổ biến hơn”, phát ngôn viên của Google cho biết.
Hiện Google Glass vẫn chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm và chưa lưu các thông tin cá nhân quan trọng, như tài khoản của Google hay mật khẩu đăng nhập… Ngoài ra, Google cho biết sau khi đến tay người dùng, trong trường hợp họ vô tình làm mất hay Google Glass bị đánh cắp, người dùng có thể truy cập vào trang web quản lý của Google để xóa sạch các nội dung có chứa trên đó để đảm bảo dữ liệu được an toàn.