Mới đây Nhật báo Phố Wall cho biết Google đang triển khai mạng di động tại một số quốc gia châu Phi và Đông Nam Á khiến nhiều người đang lo lắng rằng dự án có thể khiến các đơn vị viễn thông “lao đao”.
Tuy nhiên ngay từ hè năm vừa rồi, Google đã bắt đầu hé lộ đường đi nước bước của chiến lược đe dọa một phần lớn doanh thu của các nhà mạng bằng dịch vụ Internet Google Fiber.
Theo Google, mạng Fiber (cáp quang) có tốc độ nhanh gấp 100 lần so với tốc độ mạng Internet băng thông rộng mà hầu hết người Mỹ đang sử dụng ngày nay. Dự án Google Fiber hiện cũng đang được triển khai ở một số bang của Mỹ, đảm bảo người dùng sẽ luôn được duy trì tốc độ 1 Gbps mọi lúc, mọi nơi. Đây là một mô hình kinh doanh mới của Google nhằm tăng số lượng người dùng internet. Theo như Google, càng nhiều người sử dụng web, họ sẽ càng có lợi.
Đối với người dùng đầu cuối, đây là một dịch vụ quá tốt khi họ có thể thoải mái xem trực tuyến phim 3D hoặc tải những bộ phim full HD chỉ mất vài phút. Nhưng với doanh nghiệp viễn thông, nó có thể là một nguy cơ tiềm tàng lấy mất lượng lớn doanh thu của họ.
Phủ sóng rộng khắp và đánh bật dịch vụ 3G/4G
Gã khổng lồ tìm kiếm hiện đã bắt đầu “nhắm” tới hạ tầng viễn thông và sẽ sử dụng “dải tần trắng” (white space) để truyền tín hiệu. Bằng chứng là Google đã bắt đầu triển khai phủ sóng Wi-Fi sử dụng dải tần này tại một số nước đang phát triển. Tuy chiến dịch phủ sóng Wi-Fi trên không sử dụng dịch vụ Fiber nhưng nó đã đánh dấu tham vọng của Google với ngành viễn thông.
Sở hữu mạng internet tốc độ siêu cao, Google có thể tiếp tục tự xây dựng những trạm phát Wi-Fi hoặc để các cá nhân đứng lên lập trạm phát sóng Wi-Fi từ mạng Fiber và chia sẻ doanh thu với Google tại một số thành phố lớn của Mỹ. Trên thực tế, mạng viễn thông 4G chính là mạng 3G LTE , UMB hay WiMAX 802.16m nên rất có khả năng, Google sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển mạng lưới phủ sóng Wi-Fi rộng khắp nhằm tận dụng lợi thế có sẵn, và việc ông trùm tìm kiếm lấn sân sang ngành viễn thông là hoàn toàn có thể.
Nếu dự án được thực hiện, Google có thể phủ sóng Wi-Fi toàn bộ những thành phố có mặt dịch vụ Fiber. Khi đó, người dùng có thể thanh toán tiền cho Google để sử dụng dịch vụ với tốc độ cao nhất ở mọi lúc mọi nơi.
Với số lượng người dùng smartphone tại Mỹ đang tăng nhanh và vượt số người sử dụng điện thoại phổ thông, các nhà mạng đã bị mất một lượng doanh thu không nhỏ khi người dùng chủ yếu sử dụng các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí (OTT) chứ không còn trung thành với cuộc gọi và tin nhắn truyền thống như trước.
Nếu như Google triển khai phủ sóng Wi-Fi với lợi thế mạng tốc độ cao và ổn định của mình, một lần nữa nhà mạng lại bị đánh trực tiếp vào túi tiền khi dịch vụ 3G/4G với giá cao hơn rất khó cạnh tranh với ông lớn ngành tìm kiếm. Dịch vụ Wi-Fi tốc độ cao rộng khắp cùng với những ứng dụng nhắn tin miễn phí, hai yếu tố trên sẽ chiếm thị phần rất lớn của đơn vị viễn thông.
Đương nhiên rất khó để Google có thể phủ sóng Wi-Fi từ dịch vụ Fiber tới toàn nước Mỹ, nhưng chỉ cần “tấn công” các thành phố lớn nó cũng đủ khiến nhà mạng khốn đốn khi chỉ còn kiếm được doanh thu từ người dùng ở những vùng xa xôi và người dùng điện thoại phổ thông.
Và sau khi đã thành công ở Mỹ, Google có thể nhân rộng mô hình này tới các quốc gia phát triển khác, rồi sau đó là các quốc gia có nền kinh tế mới nổi và hấp dẫn như Việt Nam.
Không dễ thực hiện
Tuy nhiên, Google sẽ không dễ dàng thực hiện “âm mưu” này, khi các nhà mạng Mỹ và các quốc gia trên thế giới không dễ gì để Google tự tung tự tác, sử dụng mạng cáp quang kết hợp Wi-Fi để cho nhà mạng ra rìa. Một số động thái cho thấy, các nhà mạng đang có những động thái vận động hành lang (lobby) với các thành viên Ủy ban truyền thông Mỹ (FCC) hay các thành viên ở lưỡng viện của quốc gia này, nhằm ngăn chặn việc Google được sử dụng băng tần trắng (white space) nhằm mục đích phát Wi-Fi.
Từ một cỗ máy tìm kiếm khổng lồ, Google đang “bành trướng” sang rất nhiều lĩnh vực khác và đe doạ không ít những công ty có liên quan. Nếu như Google triển khai dịch vụ này, các nhà mạng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, tuy nhiên người được lợi sẽ vẫn là người tiêu dùng.