Mấy ngày gần đây, trên một số tờ báo và diễn đàn mạng được hâm nóng bởi thông tin các trang mạng xã hội lớn như Google và Facebook kiếm được nhiều tiền từ hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp tại Việt Nam, trong khi họ không phải đóng một đồng thuế nào. PV có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Hữu Phước, đại diện Công ty Luật Phước & Partners về vấn đề này.
Thưa ông, liệu Google và Facebook có thực sự trốn thuế tại Việt Nam không?
– Luật sư Nguyễn Hữu Phước: Tôi không nghĩ như vậy. Thông thường, các công ty đa quốc gia khi thực hiện các hoạt động kinh doanh tại nước ngoài, tại những quốc gia mà họ chưa có sự hiện diện pháp lý, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam chẳng hạn, thì trong các mẫu điều khoản hợp đồng dịch vụ mà họ ký với các đối tác kinh doanh ở nước ngoài, họ thường quy định cụ thể là các nghĩa vụ thuế (gián thu hay trực thu) thuộc nghĩa vụ của họ (nếu có) đánh trên các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh của họ tại các nước ngoài đó cùng với nghĩa vụ đăng ký, kê khai, trả thuế sẽ do người mua dịch vụ của họ tại nước ngoài gánh chịu.
Mục đích của việc này là nhằm giảm thiểu các rủi ro tiềm năng về thuế của họ tại các quốc gia, nơi mà họ chưa hiểu rõ các quy định thuế tại đó, cũng như trong hoàn cảnh mà họ không có sẵn một đội ngũ nhân viên phục vụ việc đăng ký, kê khai nộp thuế tại đó.
Ngoài ra, các công ty đa quốc gia đều là những tập đoàn lớn có danh tiếng trên thế giới, mà phần lớn trong số họ là các công ty được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán lớn tại Mỹ và châu Âu, nên mọi chuyện kinh doanh của họ, bao gồm nghĩa vụ tuân thủ về thuế bất kể là ở nước họ hay ở nước ngoài đều phải minh bạch và phải được báo cáo cho sàn giao dịch chứng khoán và các cổ đông một cách đầy đủ và kịp thời. Cho nên, với các giao dịch nhỏ, lẻ ở Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ là họ sẽ không cố tình muốn trốn thuế tại Việt Nam.
Ông có thể cho biết biết đâu là “lỗ hổng pháp luật” trong việc này?
– Lỗ hổng pháp luật (nếu có) ở đây có thể là do cơ quan thuế chúng ta còn thiếu các thông tin cần thiết có liên quan đến cách thức làm ăn của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam, đặc biệt là trong những dịch vụ kỹ thuật cao, cũng như còn thiếu các phương tiện kỹ thuật hiện đại để kiểm tra, giám sát hoạt động của họ, tương tự như trường hợp chống chuyển giá, nên chưa thể đưa ra những quy định cụ thể áp dụng cho trường hợp của họ, vì thế trong thực tế sẽ khó đánh thuế được họ tại Việt Nam.
Hiện nay, có một số ý kiến cho rằng không thể thu thuế Google, Facebook, vì đặt trường hợp ngược lại, nếu một doanh nghiệp của Mỹ quảng cáo trên các trang báo mạng như vnexpress.vn, dantri.com.vn… thì các trang này phải đóng thuế cho chính phủ Mỹ, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
– Theo Thông tư 134/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính về thuế nhà thầu, thì thuế nhà thầu nói chung sẽ áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài kinh doanh, có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thoả thuận, hoặc cam kết giữa họ với tổ chức, cá nhân Việt Nam.
Google và Facebook là những tổ chức nước ngoài, không quan trọng là họ có cơ sở thường trú tại Việt Nam hay không, mà có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thoả thuận, hoặc cam kết giữa họ với tổ chức, cá nhân Việt Nam nên sẽ là đối tượng chịu sự điều chỉnh của thuế nhà thầu.
Tuy nhiên, Thông tư 134/2008/TT-BTC cũng quy định, một số đối tượng không chịu thuế nhà thầu bao gồm: trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và “tiêu dùng ngoài Việt Nam” và trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ quảng cáo, tiếp thị cho tổ chức, cá nhân Việt Nam “mà các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài”.
Do đó, nếu có thể chứng minh được là các dịch vụ do Google và Facebook cung cấp cho các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam được tiêu dùng ở nước ngoài, thì các dịch vụ này không thuộc đối tượng của thuế nhà thầu.
Tuy nhiên, hiện chưa có định nghĩa rõ ràng trong các quy định pháp luật của Việt Nam thế nào là “tiêu dùng ngoài Việt Nam” hay “dịch vụ quảng cáo được thực hiện ở nước ngoài”. Do vậy, cần sớm có ý kiến hướng dẫn cụ thể của Tổng cục Thuế, để các đại lý tại Việt Nam biết và thực hiện việc khấu trừ thuế theo quy định. Theo quan điểm riêng của tôi, dịch vụ này sẽ phải chịu thuế nhà thầu tại Việt Nam vì có thể xem như là có sự tiêu dùng tại Việt Nam.
Google và Facebook có thể là những doanh nghiệp được thành lập ở Mỹ. Giữa Mỹ và Việt Nam thì lại chưa có ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, nên sẽ không thể tham chiếu theo quy định của hiệp định tránh đánh thuế hai lần để xem là Việt Nam có quyền đánh thuế các công ty đa quốc gia trong trường hợp này hay không.
Thưa ông, liệu có công bằng không khi các nhà thầu quảng cáo của Google và Facebook phải đóng thuế nhà thầu trong khi các doanh nghiệp nhỏ lẻ nếu thanh toán bằng thẻ tín dụng thì không phải đóng thuế?
– Một trong những mục đích chính của công cụ thuế của bất kỳ nhà nước nào là tạo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế. Do đó, việc các công ty nhỏ lẻ thanh toán bằng thẻ tín dụng cá nhân và không kê khai, nộp thuế rõ ràng so với các doanh nghiệp lớn là cho thấy sự không công bằng rồi.
Ngoài ra, việc các doanh nghiệp nhỏ lẻ đi tìm kiếm hóa đơn “hợp lệ” trên thị trường, để hợp thức hóa chi phí của họ đã trả bằng thẻ tín dụng cho Google và Facebook, cũng là một việc đau đầu mà cơ quan thuế cần phối hợp với các ngân hàng thương mại để sớm có biện pháp chấn chỉnh.
Trong trường hợp của Google và Facebook, liệu có giải pháp nào giúp giải quyết các sự việc trên và “bịt” lỗ hổng pháp luật, để Việt Nam có thể thu thuế?
– Như đã nói ở trên, Tổng cục Thuế cần có công văn hướng dẫn cụ thể việc đánh thuế trong trường hợp này, cũng như quy định rõ về nghĩa vụ khấu trừ thuế của các đại lý Việt Nam, đã được quy định rõ ràng đối với các khoản thanh toán phí dịch vụ xuyên biên giới này.
Nếu dịch vụ này phải đóng thuế nhà thầu tại Việt Nam, thì Tổng cục Thuế cần nhanh chóng phối hợp với Ngân hàng Nhà Nước để có hướng dẫn chung, yêu cầu các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng tại Việt Nam phải thông báo thường xuyên cho các cơ quan thuế địa phương về các giao dịch của khách hàng tại Việt Nam trả bằng thẻ tín dụng cá nhân cho các dịch vụ được các công ty đa quốc gia nêu trên cung cấp.
Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần hỗ trợ đưa tin về các chế tài, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, đối với các trường hợp không kê khai, nộp thuế nhà thầu đối với các khoản thanh toán dịch vụ này nhằm tính chất răn đe.
Các biện pháp này cùng với ý thức tuân thủ về thuế của người nộp thuế, nếu được thực hiện một cách đồng bộ và chặt chẽ, sẽ có thể góp phần giảm thiểu việc thất thu thuế trong vấn đề này.
Không để họ “mượn” VN “né” thuế
Theo thông lệ quốc tế, bất cứ thu nhập nào phát sinh tại VN, dù không có sự hiện diện của công ty, không có đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý vẫn có thể tiến hành thu thuế. Có thể cách điều chỉnh thuế sẽ căn cứ vào lượng người VN truy cập hoặc có thể là tính bình quân lượng người truy cập của mỗi quốc gia. Làm sao để quản lý thuế đảm bảo bình đẳng, nếu không tại các nước khác họ thu được thuế, nhưng tại VN lại không thu được, khiến họ tìm cách mượn VN để né thuế. Thông thường, các cá nhân hay DN có quảng cáo, họ thanh toán thông qua hệ thống thanh toán quốc tế tại các NH. Ở một góc độ nào đó, chúng ta có thể quản lý dựa vào các thanh toán này qua tài khoản được mở tại NH, từ đó có thể tính ra được doanh thu của họ từ thị trường VN… (Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế VN)
Doanh thu từ thị trường quảng cáo trực tuyến tăng cao
“Cơ quan thuế cũng bắt tay vào rà soát một số mạng lớn. Qua kiểm tra ban đầu, chúng tôi nhận thấy Yahoo đã mở công ty tại VN nên có phát sinh nghĩa vụ thuế và thực hiện đóng thuế tại VN. Số thuế Yahoo đóng các năm qua gia tăng từng năm, năm 2009 (Yahoo hoạt động từ tháng 11.2008) đóng thuế trên 690 triệu đồng, 2010 lên 2,7 tỉ đồng và năm 2011 trên 4,8 tỉ đồng. Rõ ràng doanh thu từ thị trường quảng cáo trực tuyến đang ngày càng tăng cao”. (Bà Lê Thị Thu Hương – Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM)
(Sem Vietnam – Theo TBKTSG & TNO)