Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) vừa trở thành nhà cung cấp dịch vụ chứng thực số đầu tiên tại VN. TNO đã trao đổi với ông La Thế Hưng , Trưởng phòng An toàn Thông tin – Công ty điện toán và truyền số liệu VDC (VNPT) về dịch vụ này.
* Ông có thể cho biết rõ hơn dịch vụ chứng thực số mà VNPT vừa được phép cung cấp?
– Trong các giao dịch truyền thống, chúng ta vẫn sử dụng giấy tờ, công văn cùng với chữ ký và con dấu. Việc giao dịch, trao đổi thông tin trên môi trường internet cũng cần có một cơ chế tương tự và chữ ký số được sử dụng để phục vụ cho môi trường này. Khác với chữ ký thường có thể phải mất nhiều thời gian để giám định khi cần thiết, chữ ký số có thể được giám định, xác nhận nhanh với các công cụ điện tử. Cũng thế, chứng thực số là một dịch vụ trên internet tương tự như việc công chứng trên giấy tờ, văn bản thông thường. Cụ thể, chữ ký số là một giải pháp công nghệ đảm bảo tính duy nhất cho một người khi giao dịch thông tin trên mạng, đảm bảo các thông tin cung cấp là của người đó.
Như vậy, liên quan đến vấn đề này có 3 yếu tố: chữ ký số, chứng thư số và chứng thực số. Chữ ký số do người sử dụng tạo ra sau khi được nhà cung cấp dịch vụ cung cấp chứng thư số. Chứng thực số được sử dụng để các đối tác của người sử dụng biết và xác định được chữ ký, chứng thư của mình là đúng.
* Theo ông, nhu cầu về chứng thực số ở VN hiện nay ra sao? Việc đưa ứng dụng này vào thực tế sẽ có tác động như thế nào đến các giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp (DN) và nhà nước?
-Việc trao đổi, giao dịch của các cá nhân, DN qua mạng ngày càng phổ biến. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, thống kê của Bộ Thông tin – Truyền thông cho thấy giao dịch điện tử phát triển khá mạnh với hơn 9.000 website, doanh thu từ mua sắm trực tuyến, điện thoại… lên tới 450 triệu USD/năm. Bên cạnh đó, Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính với việc thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử nên nhu cầu về chứng thực số ở VN rất lớn.
Ứng dụng này khi đưa vào thực tế sẽ giúp cho các giao dịch giữa công dân, DN và nhà nước thuận tiện và đảm bảo hơn. Ví dụ: người dân có thể kê khai, nộp thuế và chuyển tiền trực tiếp qua mạng, DN có thể xây dựng hệ thống mua bán trực tuyến, đảm bảo việc thanh toán qua hệ thống với chứng thư đã được xác nhận, các DN ở các địa phương cũng có thể ký kết hợp đồng qua mạng thay vì phải gặp nhau trực tiếp như hiện nay… Hiện đã có nhiều bộ, ngành triển khai các dịch vụ công trực tuyến có sử dụng chữ ký số: Tổng cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
* Để có một chứng thư số thì đăng ký như thế nào ?
– Cá nhân, DN, tổ chức muốn sử dụng dịch vụ này có thể liên hệ trực tiếp với nhà cung cấp dịch vụ. Sau khi cung cấp các thông tin cần thiết, người sử dụng sẽ được cấp một khóa bí mật để tạo chữ ký số sử dụng trong giao dịch. Đồng thời người sử dụng cũng sẽ được cấp công cụ để chứng thực chữ ký của mình với đối tác. Chữ ký số không giống như chữ ký bình thường ở chỗ mỗi lần ký, người sử dụng sẽ dùng khóa bí mật để tạo chữ ký và mỗi lần ký sẽ là một chữ ký khác nhau (về thuật toán). Dựa vào các công cụ điện tử được cung cấp, các đối tác có thể kiểm tra chứng thư để xác định.
Hiện tại, ngoài chứng thư số cho cơ quan, tổ chức cá nhân, VNPT còn cung cấp các loại chứng thư số cho website và cho chương trình ứng dụng. Cụ thể, các website nếu có chứng thư sẽ giúp người dùng biết website đó có đúng là của chủ sở hữu không, đặc biệt trong trường hợp website bị tấn công, giả mạo, thay đổi thông tin hoặc chèn virus, mã độc.
Tương tự, khi người sử dụng một chương trình ứng dụng nào đó được cung cấp trên mạng, nếu nhà sản xuất ứng dụng đã có chữ ký số ở đó sẽ giúp người sử dụng biết về độ tin cậy của các chương trình ứng dụng này. Nếu các ứng dụng này bị can thiệp, bị hack hoặc thay đổi thì chữ ký sẽ không thể hiện đúng.
(Theo TNO)