Blog công nghệ TechCrunch vừa đưa tin: Công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft từ nay sẽ sử dụng một phần dữ liệu của Wolfram Alpha trong các kết quả tìm kiếm của mình.
Mặc dù vẫn tiếp tục tăng trưởng về thị phần nhưng Bing vẫn còn cách Google một khoảng rất xa.
Tuy đại diện của cả Microsoft và Wolfram Research đều từ chối bình luận về thông tin này nhưng giới công nghệ vẫn tin tưởng rằng bản hợp đồng giữa 2 công cụ tìm kiếm trực tuyến đã được ký kết và đang chuẩn bị được công bố.
Theo những nguồn tin “thân cận” với Microsoft, trong thời gian tới, bảng kết quả tìm kiếm của Bing sẽ được phép trích dẫn và hiển thị một số dữ liệu mà công cụ tìm kiếm chuyên biệt Wolfram Alpha đã sản sinh ra, đặc biệt là các lệnh tìm kiếm liên quan đến lĩnh vực khoa học.
Wolfram Alpha được những người khai sinh ra nó mệnh danh là “cỗ máy tìm kiếm điện toán”, ra đời vào giữa tháng 5 vừa qua.
Tuy không gây được “sóng gió” trên lĩnh vực công nghệ hay thị trường tìm kiếm trực tuyến như kỳ vọng nhưng Wolfram Alpha vẫn được coi là công cụ tìm kiếm thú vị và hữu dụng đối với một số lĩnh vực khoa học nhất định. Công cụ tìm kiếm này không sử dụng thuật toán hiển thị và liệt kê những liên kết liên quan đến từ khóa tìm kiếm như các công cụ khác vẫn đang làm hiện nay mà thiên về việc cho ra đời những câu trả lời hoàn chỉnh liên quan đến các vấn đề kinh tế hoặc các công thức toán học phức tạp…
Bing, cũng là một cỗ máy tìm kiếm mới được Microsoft ra mắt hồi đầu tháng 6 vừa qua và vẫn đang trong giai đoạn được giới công nghệ chú ý cũng như tiếp tục phát triển. Bản hợp đồng với Yahoo vừa qua là một minh chứng Microsoft đang rất nỗ lực tìm mọi cách để đưa Bing lớn mạnh hơn nữa và nhắm đến mục tiêu hạ bệ Google – cỗ máy tìm kiếm lớn nhất thế giới hiện nay.
Mặc dù tin là Bing gần như chắc chắn sẽ bắt tay với Wolfram Alpha nhưng nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi liệu các kết quả tìm kiếm trên Bing có buộc phải mang kèm theo thương hiệu của Wolfram Alpha hay không?
Trong blog chính thức của mình, Stephen Wolfram – người sáng lập ra Wolfram Alpha đã thừa nhận rằng sự “trục trặc” trong vấn đề ngôn ngữ đã khiến cho hơn một nửa số lệnh tìm kiếm trên công cụ này không cho kết quả và họ vẫn đang phải tích cực khắc phục vấn đề này.
Theo ICTNews (CNET)