Mười chỉ số cơ bản các Website TMĐT cần theo dõi

alexaĐể đánh giá chất lượng một Web site Thương mại điện tử thì cần nhiều hơn những chỉ số của Alexa. Chúng tôi đề xuất 10 chỉ số quan trọng các trang TMĐT nên theo dõi.

Trong bữa cafe với chủ nhân của một site Tuyển dụng, tôi chợt nhận ra mọi người đều so sánh sự thành công của Site trên chỉ số Alexa. Ngay cả Vụ Thương mại điện tử (Bộ Thương mại Việt Nam) cũng đề xuất sử dụng chỉ số Alexa để xếp hạng về chất lượng của Web site bộ, ngành.

Vậy Alexa cho phép biết những gì? Alexa cho biết tỉ lệ số trang xem/ truy nhập, xu hướng và số người truy nhập trên toàn thế giới vào một site với giới hạn bộ đếm này chỉ kích hoạt trên trình duyệt web có cài tool bar Alexa. Tuy nhiên một thực tế là tại Việt Nam không có nhiều người cài toolbar này trong khi đó người truy nhập chủ yếu từ Việt Nam, mặt khác việc tự tăng số lần xem trang đối với Alexa là rất dễ dàng nên Alexa rất khó có thể trở thành thước đo chất lượng của một Web site và càng không thể đo sự thành công của một Web site.

Để đánh giá chất lượng một Website Thương mại điện tử thì cần nhiều hơn những chỉ số của Alexa. Chúng tôi đề xuất 10 chỉ số quan trọng các trang TMĐT nên theo dõi.

1. Tỉ lệ người truy nhập mới: Hầu hết mọi người đều không để tâm đến tỉ lệ hoán chuyển người truy nhập cũ và mới. Bằng cách đánh giá riêng tỉ lệ hoán chuyển người truy nhập mới, bạn mới có thể nhìn thấy rõ hơn hiệu lực của những công cụ tìm kiếm hay các chiến dịch quảng cáo của công ty.

2. Tỉ lệ quay lại của người truy nhập cũ: Không phải ai cũng mua hàng của bạn trong lần đầu tiên truy nhập Website, chỉ có nội dung tốt, hấp dẫn mới có nhiều người quay lại Website. Bằng cách theo dõi tỉ lệ này, bạn có thể biết Website của bạn có được nhiều khách hàng quan tâm hay không, từ đó có chiến lược đối với nội dung Website.

3. Số trang xem/ truy nhập: tỉ lệ này phản ánh sự hấp dẫn site đối với người xem. Việc tăng tỉ lệ trang xem/ truy nhập chỉ ra nội dung của bạn đang được người đọc quan tâm bằng việc người xem dành thời gian để xem các trang. Tuy nhiên một tỉ lệ cao cũng có thể là do quy trình thanh toán và xem sản phẩm phức tạp quá mức cần thiết.

4. Số hàng/ đặt hàng: Bạn nên có một công cụ theo dõi bao nhiêu hàng được xem trên một lần đặt hàng. Điều này giúp bạn tìm hiểu được hành vi của người mua hàng để từ đó đưa ra chiến lược marketing và bán hàng phù hợp hơn.

5. Giá trị đặt hàng trung bình: Tuỳ theo từng lĩnh vực kinh doanh mà giá trị đặt hàng trung bình sẽ khác nhau, chính vì vậy mục tiêu về giá trị trung bình của bạn cũng khác nhau. Tuy nhiên nếu bạn đo lường giá trị này thường xuyên, bạn sẽ có thông số giữa các năm, điều này hỗ trợ cho marketing rất nhiều.

6. Tỉ lệ bỏ Web ngay khi truy nhập: Sự kiện này xảy ra khi một người truy nhập một trang trên site của ban và cũng ngay lập tức họ nhấn chuột rời bỏ Website ra không quay trở lại. Tỉ lệ bỏ Web cao có thể do nhiều yếu tố trong đó có các yếu tố thời gian tải Web chậm, nội dung không phù hợp với người truy nhập, thiết kế giao diện không cuốn hút, … Bạn nên theo dõi liên tục tỉ lệ bỏ Web này trong các trang Web quan trọng bao gồm trang chủ và những trang có SEO hoặc PPC.

7. Thời gian tải trang Web: Như đã đề cập, thời gian tải trang Web chậm có thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ bỏ Web ngay khi truy nhập cao. Bạn nên kiểm tra thời gian tải trang Web với nhiều tốc độ kết nối hoặc với các công cụ kiểm tra trực tuyến.

8. Nguồn truy nhập vào Web site của bạn: Với công cụ Google Analytics cho phép bạn theo dõi nguồn truy nhập theo 3 danh mục: Truy nhập trực tiếp (bằng cách gõ trực tiếp URL Web site của bạn), Truy nhập từ kết quả tìm kiếm (kết quả trả về bao gồm cả SEO và PPC), cuối cùng là từ các site tham chiếu (từ bất cứ site nào liên kết đến Web site của bạn). Tuỳ theo mỗi site mà tỉ lệ truy nhập có khác nhau, tuy nhiên nếu số lượng người truy nhập trực tiếp tăng lên, điều này đồng nghĩa với thương hiệu của bạn đang được nhiều người quan tâm.

9. Số lượng đặt hàng trên mỗi khách hàng trong một năm: Con số này cho bạn biết một người khách hàng đặt hàng bao nhiêu lần trong một khoảng thời gian. Đây là một công cụ tốt cho phép bạn xác định bạn nên chi bao nhiêu tiền cho marketing hoặc làm marketing lại.

10. Tỉ lệ huỷ bỏ thanh toán/ giỏ hàng: Bạn nên đo lường tỉ lệ phần trăm số khách hàng rời bỏ thanh toán/ giỏ hàng trong từng bước thanh toán. Chẳng hạn: bao nhiêu phần trăm khách hàng rời bỏ sau khi đưa sản phẩm vào giỏ hàng? Sau khi nhập thông tin hoá đơn, vận chuyển? Sau khi nhập thông tin thẻ tín dụng? Tỉ lệ rời bỏ quá cao là dấu hiệu của quy trình thanh toán không tốt.

Bài viết có tham khảo Web site Web Marketing Today, Bộ Công Thương Việt Nam

(SEM Vietnam – Theo VietnamBIZ)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang